Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

ÁO MỚI CÀ MAU


Tác giả: Thanh Sơn
Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam.
Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời.
Xuôi mái chèo sông ông Đốc, đêm trắng kịp tới chợ Cà Mau,
Xuồng ghe ngày đêm không ngớt, người Cà Mau dễ thương vô cùng.
Về Cái Nước, Đầm Dơi, nghe ai ru câu ơi hời,
Thương em đừng để duyên lỡ thời, tội nghiệp ghê nghe sắc se con tim tôi.
Chừng nào về Năm Căn, nhớ nhau qua lại cũng gần,
Một lần về U Minh, nghe muỗi kêu nhớ rừng Cà Mau.
Mai mốt Cà Mau em lớn, tuy út mà "sửa soạn" đẹp hơn,
Cà Mau đường đi không khó, mà chỉ khó có sông vắng đò.
Em đứng mình ên một hướng, duyên dáng mời khách lạ ngàn phương,
Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em rồi.

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

BUỒN CON SÁO SẬU

Tác giả: Minh Vy
Nữ:
Chiều chiều em đứng ngó bên sông
Buồn thương con sáo sậu khi lúa mùa trổ đồng thơm bông
Buồn cho con sáo sậu nó lẻ bầy sổ lồng mà bay
Ai nhanh tay trên đồng đang gánh gồng bụi lúa thơm
Em thương anh bên này không dám lời sang bên đó
Anh nhắn ngỏ lời thương theo tiếng chim sáo bay trên đồng
Rằng sẽ hẹn mùa sau anh gánh lúa về nhà em.

Nam:
Hò ơi, câu hát xưa ân tình, trăng tròn đẹp đôi
Chim sáo về nơi đâu, ai buồn ai thương nhớ
Xin nhắn lời cho nhau vơi nhớ mong đêm ngày
Tiếng chim kêu đâu đó, nói xa hơn nói gần
Mối mai anh không dám em bằng lòng làm vợ anh không

Vọng cổ:
Nữ:
Câu 1: Khi lúa trổ đồng đơm bông buồn thương con sáo sậu, sáo ơi sáo hát chi khúc ca sầu lẻ bạn, sáo hãy nhắn gửi lời thương theo từng bước chân…người.
Chiều chiều em ra đứng ngó bên sông nghe sáo hát ru hời. Em thương anh bên này không dám lời sang bên đó. Chim sáo sầu lẻ bạn hát cô đơn. Nhìn anh tay gánh tay gồng từng bụi lúa thơm hương. Mồ hôi ước đẫm thấm sờn vai áo. Thương lắm bước chân ai nhọc nhằn gian khó, nghe sáo hát ru buồn mà cứ gởi sầu sang bên đó.

Nam:
Câu 2:
Gánh lúa bên sông nghe tiếng ca sầu của chim sáo, mùi rạ đưa hương ươm hương lúa say nồng. + + Câu hát sáo ru chim sáo sổ lồng. Nghe con sáo hát mà thương mình đang lẻ bạn. Tay gánh tay gồng mà hôm sớm vẫn cô đơn. Mùa lúa năm này rồi tới mùa lúa năm sau, không biết chim sáo có còn cô đơn ca hót. Thấy em trộm nhớ thầm thương mà ngại ngần không dám tỏ, nghe con sáo hát ru buồn giận sáo biết dường bao.


Nhạc:
Nữ:
Hò ơi, tiếng pháo hoa tưng bừng rộn ràng nhà ai
Đám cưới làng bên kia anh cùng cô dâu mới
Em khóc nhiều hơn khi em thấy anh vui cười
Sáo kia buông tiếng khóc, tiếng chim nghe đau lòng
Ngó lơ anh không thấy anh vui cười vui cùng người ta.

Câu 5:
Nam:
Chim sáo về nơi đâu, ai buồn ai thương ai nhớ, rồi tháng rồi năm rồi chờ rồi đợi, không dám tỏ cùng ai lời hẹn ước ban …đầu.
Nữ: Rồi mùa lúa năm sau anh vui bước qua cầu. Đám cưới làng bên anh cùng cô dâu mới, chim sáo buồn buông tiếng khóc cô đơn.
Nam: Câu đợi câu chờ không vẫn dám ngỏ cùng ai, rồi mẹ cha mai mối anh phải gật đầu đồng ý. Chớ hương lúa đơm bông rồi trỗ đồng theo ngày tháng, đâu biết ai có yêu ai nên chim sáo mới xa bầy.

Nữ:
Lý Giao Duyên:
1. Chim sáo cất tiếng nỉ _non.
2. Điệu sầu, lẻ loi chim_sáo
3. Lưu luyến cất tiếng xa _bầy,
4. Thương nhớ, chim sáo âm_thầm.
5. Chim sáo lạc lối cô_đơn
6. Nên chim sáo hát khúc bơ_vơ
7. Chim ơi đừng hót_chi
8. Khi tiếng pháo xa vang tiếng vui cười
9. Anh đang cùng bên người mình yêu
10. Bao khổ sầu để chim sáo đơn côi.

Câu 6:
Đám cưới làng bên anh cùng cô dâu mới, tiếng pháo tưng bừng rộn rã khắp thôn quê. Hò ơi, trăng tròn trăng có đẹp đôi, cớ sao chim sáo hót lời nỉ non. Chim sáo cô đơn buông lời ai oán, cất tiếng ru êm điệu lý xa bầy.
Nam:
Trách chi con sáo trên cành
Vì anh nông nổi nên đành phụ em.
Duyên tình thôi thế là thôi.
Sáo buông tiếng khóc nghe lòng nhói đau.

HUẾ ĐÊM TRĂNG

Nhạc: Quốc Dũng - Lời: Đức Cường
Thơ: Ưng Bình Thúc Dạ Thị

Ngâm thơ:
Hò….ơi….
Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn,
Chèo qua Ngọc Trảng đến vạn Kim Long,
a…ơi…..
Thuyền ai thấp thoáng ở bên sông
Sương sao trăng lặn gây lòng nhớ thương.

Nhạc:

Trăng xuống Huế mù sương, tàn rơi trên phố phường, vàng cây lá trong đường.Trở về qua phố xưa từ tháng năm sầu nhớ, ngỡ chìm trong giấc mơ.

Hương Giang nghe như vọng về điệu Nam Ai nức nở, xa xôi lắm con đò hẹn hò thương yêu bến bờ. Giòng sông vẫn trôi sao nhịp đời vắng vui khi người cũ nay xa vời.

Trăng nghiêng xuống vai cho sầu thương nặng mãi, trăng lênh đênh mây nước dâng ưu phiền. Thả bước chân theo ngàn sau lặng lẽ. Đêm buông lơi cùng gió đi không về.

Vọng cổ:
Câu 1:
A…ơi….Khúc nam ai từ Hương Giang vọng lại, nhẹ bước đêm thu nghe lòng trĩu nặng sầu. Đêm bến Ngự tàn rơi vàng cây lá, âm thầm đếm bước bâng khuâng nghe nổi niềm riêng trĩu nặng ở tâm …hồn. + +
Lối củ người xưa vắng dạng tự bao giờ, trăng xuống mù sương ngập ngừng trên bến vắng, phố Huế âm thầm đếm từng bước cô đơn. Dòng sông buồn trên bến vắng cô liu, mạch nước sông Hương cũng lả lơi sầu ảo, thả bước buồn tênh nghe thu vàng quanh mắt đợi, người cũ bây giờ phương nào xa vắng.

(12 nhịp)

Câu 2:
Xa xôi lắm con đò hẹn hò yêu thương bến cũ, rặng liễu cô đơn ủ rủ giọt sương buồn. + + Trên phố tàn rơi vàng cây lá giăng đường. Phố Huế âm thầm có nổi sầu đơn lẻ, đêm trăng Huế buồn thổn thức giọt thu ba. À…. ơi…. Lượng sóng luồng theo cây mái đẩy, mấy phen tan hiệp nổi đầy vơi, người cũ xa rồi trên bến vắng chơi vơi.

Nhạc:
Thao thức mãi vầng trăng. Người ơi có biết rằng tình ta vẫn âm thầm. Nặng nề chân bước qua, đường Huế sao dài quá. Bóng người xa quá xa.

Nam Giao ơi câu hẹn thề ngày nao thêm não nề. Tim ta lắng nghe hoài lời tình tơ vương gót hài. Trăng còn nhẹ lay mây trời còn bay vẫn còn nhớ thương đong đầy.

Vọng cổ:
Câu 5:
Trăng nghiêng xuống vai, trăng sầu ảo nảo, nhẹ bước cô đơn dạo buồn trên bến vắng, trên phố tàn rơi cành cây lá giăng…đường.
+ + Phố Huế bỗng buồn tênh chờ đợi bóng con đò. Con đò hẹn hò yêu thương bến cũ, vắng xa rồi Huế nức nở giọng Nam Ai. Câu hẹn câu thề vẫn thao thức mãi vầng trăng. Non vàng không đổi người ơi sao xa cách. Ôm khối tình chung thả bước theo ngàn sau lặng lẽ. Đêm buông lơi cùng gió đi không về.

(10 nhịp)

Câu 6:

Hò… ơi…
Thuyền ai ríu rít ở ngoài khơi,
Chậm mái cho tôi ngõ ít lời,
Lạc lối Tầm Dương nên nỗi thế,
Đau lòng Tư Mã lắm ai ơi,
Câu hẹn câu thề như chín dạ chờ mong, Phố Huế sầu thương trăng nghiêng bóng nước. Trăng nước ngẩn ngơ mây trời bay lơ đãng. Huế đêm trăng thao thức mãi u buồn.

Nhạc:
Nam Giao ơi câu hẹn thề ngày nao thêm não nề. Tim ta lắng nghe hoài lời tình tơ vương gót hài. Trăng còn đầy vơi, sương còn tàn rơi,Huế còn nhớ thương một người.

LÒNG DẠ ĐÀN BÀ

Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản,
Cởi long bào giả dạng một thường dân,
Vác cần câu ra ngồi dựa thạch bàn,
Lòng vương giả mơ màng theo sóng nước.Căn đều Hai bên

Gió động ngàn lau khua xào xạc, Sở Vương mới thả hồn theo những chiếc lá khô rơi tản mạn cuối chân ............... trời. Lòng quân vương bỗng xúc động mối tâm tình. Đưa tay vuốt chòm râu bạc, nhắp chén rượu đào nghiền ngẫm chuyện gần xa. Bỗng ngài đưa mắt nhìn một hang cua dưới thạch bàn, cua cái nằm lột vỏ trong hang, cua đực ngày đêm lo canh giữ cho vợ hiền, quên cả việc ra đi tìm mồi cho đỡ đói.

Mấy ngày sau khi coi bề hiền thê cứng cáp, vợ chồng cua mới sánh vai nhau đi dạo mát cạnh giang hà. Sở Vương đứng ngắm đôi vợ chồng cua âu yếm đậm đà. Ngài mới cất tiếng khen rằng, “Lành thay cho tình chồng vợ, đẹp bấy nghĩa đạo tào khang. Rất đỗi loài vật còn nặng chữ phu thê, huống chi làm người ai chẳng trọng câu luân thường đạo lý. Chữ “nhất dạ đồng sàng hề chung dạ ái, nhất nhật phu thê hề bá dạ ân.”

Tháng lại ngày qua, nước thủy triều mấy phen lên xuống giữa trường giang. Hoa hồng, hoa điệp rụng rơi từng cánh mỏng. Đến ngày cua đực lột vỏ, thì cua cái mặc tình đi dọc, về ngang, bỏ cua đực nằm hiu quạnh trong hang, con ác phụ đã sanh lòng tàn ác. Nó dắt về một gã nhân tình có đôi càng to lớn để xé xác anh chồng bạc số vô duyên. Sở Vương thấy cảnh bạc đen, cất tiếng than rằng, “Hỡi bể rộng trời cao! Đàn bà lòng dạ hiểm sâu, ngoài môi lại nói những câu chung tình.”

Ôi! Ngán ngẫm bấy ân tình thế thái,
Não nùng thay, tối độc phụ nhân tâm.
Lòng Sở Vương như muối xát kim châm,
Giận bấy kẻ ân tình không giữ trọn.

Để thử xem lòng dạ thế nhân ai người đen trắng, nên ngài mới viết bảng truyền rao khắp cả dân ............... tình. Truyền cho thần dân hãy tuân theo sắc lệnh của triều đình. Tất cả đàn bà Sở quốc, ai can đảm giết chồng đem thủ cấp dâng lên, được ban nhất phẩm phu nhân, lụa là gấm vóc, vàng ròng mười xe. Từ trong thành nội ban ra, chiếu vua nước Sở gần xa đặng tường.

Chiếu chỉ truyền ra chưa đầy nửa tháng thì từ các mệnh phụ phu nhân, cho đến những trang thiếu nữ chung tình. Họ cắt thủ cấp người yêu đến hoàng cung mong sao hưởng được lộc triều đình. Sở Vương dằn lòng căm giận, nhưng cũng phê liền một chiếu thứ hai, “Ai, ai can đảm giết đặng vợ nhà, Trẫm sẽ chia phân nửa giang san Sở quốc.” Một năm lặng lẽ trôi qua, không có một gã đàn ông nào đến hoàng cung để lãnh thưởng, bởi không ai nỡ cầm gươm giết thác vợ mình.

Thế rồi một hôm có một gã nông phu nghèo khổ, áo chẳng đặng lành, cơm chẳng đủ ăn, xin vào triều bái kiến đức vua, nhận gươm báu về nhà để giết vợ. Vua nhận lời trao kiếm và di hành theo gót kẻ nhà quê. Khi anh ta về tới mái lều tranh, đứng bên vách nghe tiếng vợ hiền ru con nghe não nuột, anh vội buông gươm, cất tiếng khóc van và chạy tìm Sở Vương dập đầu tạ tội, “Bệ hạ ơi, ngu dân cam chịu chết, chứ không có nỡ nhẫn tâm xuống tay giết thác bạn tâm đồng.” Sở Vương cất tiếng ngợi khen và truyền đem châu báu ngọc ngà ban thưởng. Cho hay trong đạo vợ chồng, biết ai chung thủy, ai lòng bạc đen.

LÁ TRẦU XANH

Soạn giả: Viễn Châu

(Nói lối)

Thương nhau cau bổ làm đôi miếng
Một lá trầu xanh thắm nợ duyên
Cứ mỗi chiều về tan buổi chợ
Em còn hoài vọng tiếng người thương

(vọng cổ)

(1) Anh hứa với em khi mình nên duyên nên nợ thì một miếng trầu xanh cũng nên vợ nên ... chồng. Cau thắm trầu xanh sẽ thêm đượm thêm nồng. Mỗi sớm tinh sương gánh trầu ra chợ, trên con đê dài thoăn thoắt đôi chân. Em không sợ nắng vàng héo úa trầu xanh mà sợ người yêu chờ đợi phiền buồn. Đôi mắt kiếm tìm giữa buổi chợ tan, lỡ chuyến hẹn hò tình duyên đôi lứa.

(2) Nhưng rồi một hôm mưa buồn xóm chợ, bên thúng trầu xanh em chờ bạn chung tình .... Mưa gió cách ngăn duyên kiếp đôi mình ... Chợ vắng thưa người sao anh không đến, yêu nhau ngại gì lầy lấm bàn chân. Để em quay về thơ thẩn nhớ thương .Anh phụ em rồi, anh không tới nữa để phiên chợ buồn héo hắt trầu xanh.

(Mạnh Lệ Quân)

Hoa thu rụng rơi hoài bên sông lạnh. Em đếm bao lá rụng, một ngày thu tàn hiu quạnh. Khung trời mưa buồn buông lạnh. Ngỡ ngàng đứng bên cổng rào, nhà anh đang nói cười rộn ràng. Em hỏi thăm, hay được đây là ngày tân hôn. Đây ngày vui mừng tân hôn của anh với người mến thương. Thôi rồi lỡ làng duyên nợ. Áo em lệ sầu thấm hoen, lỡ câu mong chờ, mong đợi. Ngày mai chỉ hồng thắm duyên, cớ sao anh vội sai hẹn. Còn chi tiếng thề ái ân, lời đoạn thề sao đành quên nhau.

(vọng cổ)

(5) Trời ơi! Hai thúng trầu xanh còn nặng oằn đôi vai bé nhỏ, nhưng gánh tình chung đã gãy đổ tự lâu ... rồi. Tiếng pháo rền vang pha lẫn tiếng vui cười. Anh sắp vừa vui vầy duyên mới, em cũng bắt đầu làm một kẻ đơn côi. Muốn quay về để khỏi thấy cảnh gai mắt trái tai, nhưng sao chân muốn bước mà dạ còn mong ở lại. Trời ơi ... nỗi khổ đau của một người con gái mười tám xuân xanh đã mang mối tuyệt tình.

(6) Trên đường về lệ trải gót chân quê, trên bến cũ con đò sao vắng bóng? Đò ơi, sao mi không thương xót một người vô vọng, lại vội vàng tách bến sang ngang?

Mưa hay lệ rơi hoài trên áo?
Gió quyện ngàn xác pháo trên sông.
Thu về rụng lá trầu xanh
Trầu xanh rụng lá, tình anh hết rồi.
Một gánh trầu oằn nặng trên vai
Nhưng gánh nặng u hoài muôn vạn kiếp
Mưa rơi lạnh buốt khung trời
Anh phụ em rồi, em còn biết tin ai?

VỌNG KIM LANG

Ôi tuổi xanh mộng mơ vấn vương tháng năm mong chờ
Hứa duyên trao lời
Ngày anh về lứa đôi thành hôn
Tiễn đưa xuyến xao tâm hồn
Buồn dập dồn nhớ thương nào vơi

Em chờ em chờ mong trầu đưa tới
Pháo hoa rượu nồng
Mừng cô dâu chú rễ vu qui
Giáng sinh sánh vai bên chồng
Làn phấn hồng điểm tô mặt duyên
Tương lai có nhau trong đời cùng gọi mời ngắm mây trời bay.

Hè qua thu mãng đông sang
Nắng xuân dịu dàng tràn lan
Chốn thôn trang nơi ngày trùng quang
Mà tin chàng xa ngàn mờ tin
Để tim yêu lạnh lùng quạnh hiu.

DỆT CHẶNG ĐƯỜNG XUÂN

Em ra đi khi gà chưa gọi sáng, trăng mùng mười dợn nước giữa đầm sen, vẫn chiếc xuồng con, cây sào nặng thân quen, vẫn cơm gói mo cau, khăn rằn quấn cổ.

Câu 1: Ngày lại ngày qua hàng trăm cây số, nối chặng đường dây em vượt lộ qua . . . đồng.
Theo nhịp quê hương lưu chảy mạch máu hồng.

Cuộc đời vui khi chiến trường vẫy gọi, rút ngắn đoạn đường là bước tiến công. Xuồng em chở chú dân quân, chở cô cán bộ, chở anh hậu cần.

Nón tai bèo lấp lánh dưới trăng, lúc nói chuyện thì thầm khi cười vui rộn rã.

Câu 2: Chiếc sào nặng xua nước đồng lã chã, xuồng chồm lên nhảy nhót ánh sao trời. Bình minh đã thức dậy rồi. Nỗi nôn nao khi chân trời rực sáng, em ngỡ bình minh như cánh cò bay. Thời gian em nắm trong tay, cho đêm ngắn lại cho ngày dài ra. Cho về kịp chiến trường xa, cho tin xuân đến cho muôn nhà yên vui.

(Trăng Thu Dạ Khúc)
Vắng đưa xa giọng hò ngân lên theo gió mây
Âm thanh dịu dàng,
Tha thiết tâm tình
Rằng em như chiếc thoi đưa.
Tháng năm em dệt chặng đường mùa xuân với nước non.

Câu 4: Rỗng cánh đồng xa trải mình ôm tiếng gió, nhìn những chiếc sao nhấp nháy như từng đôi mắt nhỏ lưng . . . trời. Đưa chéo khăn lau trán em cười. Cây sào nặng kéo dài trên mặt nước, chuyện cuộc đời em kể nỗi ngược xuôi. Giao liên cực lắm nhưng vui, chiều sang Tân Định sáng rời Cô Tô. Soi trăng nước bạc Ba Hồ, đêm vượt Cái Lớn ngày vô Vĩnh Bình.

Câu 5: Thuở em đi vừa tròn mười bốn tuổi, mẹ tiễn chân em đến tận nơi này. Mái tóc màu mây chưa phủ vai gầy. Đời ở đợ ít no nhiều đói, thiếu bạc tiền dư dả đòn roi. Em đi từ ấy đến nay, quản chi ngày vắng đêm dài gian truân, sông kia rừng đó đã từng, em đi dệt chặng đường xuân cho đời.

Câu 6: Đường kháng chiến đi lên mỗi bước, nghe đời mình tầm vóc lớn thêm, Dệt tình yêu quê hương đất nước, nối trăm nguồn máu chảy vệ tim. Mang tin xuân chắp cánh bay không nghĩ, nghe trong hồn phới phới dâng cao. Qua mỗi trạm đường đi đánh Mỹ, tay dang tay thành những chiến hào.

Hò ơ, bầu trời có mấy vì sao, người giao liên cũng có bao nhiêu miền. Giọng hò dìu dặt thân thương, của người em gái dệt đường mùa xuân

CHỢ MỚI

Sáng tác: TRỌNG NGUYỄN

(Nói lối)

NỮ: Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi/ Mà ai cũng bảo rằng chợ Mới quê hương - NAM: Ở nơi đó tôi có một người thương/ Cứ chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo.

(Lý con sáo Gò Công)

NỮ: 1. Ra bờ sông như hẹn lứa đôi
Mang áo phơi cho anh nhìn
Mà tình em mong người ơi
Sao nước trôi xuôi dòng sông lững lờ.

NAM: 2. Trông bờ sông anh hẹn với em
Mai mốt đây đem cau trầu
Nhờ người se duyên tình ta
Em chớ lo thêm buồn
Anh đã thưa cùng mẹ cha.

NỮ: Duyên chúng ta muôn đời
Như nước trên dòng đừng vơi.

NAM: Chúng tôi yêu nhau đã sáu năm rồi mà chưa thành chồng thành vợ. Cha thì gật đầu, Mẹ thì quay ngang rồi bảo: thằng Tâm có cái tính cộc cằn sợ sau này con Hồng bị nó ăn hiếp. Nên bà con dùng dằng chưa chịu cho hai đứa cùng nhau kết nghĩa châu...

Vọng cổ (câu 1)

... trần. Làng xóm bàn tới, bàn lui anh buồn thiệt là buồn.
NỮ: Từ cái bữa nhà anh qua dạm hỏi, thấy mẹ lắc đầu em cũng thôi giặt áo ở bờ sông.
NAM: Hôm có lệnh tòng quân…
NỮ: Sao anh không cho em biết?
NAM: Vì anh sợ cái lắc đầu và một tiếng không, rồi mình cứ ngó mong, nói chuyện lòng vòng chỉ gợi buồn cho người đi kẻ ở.

Vọng cổ (câu 2)

NỮ: Mấy hôm sau mới hay anh đi bộ đội, em chạy xuống Long Xuyên rồi lên Châu Đốc, nhìn những chỗ tiễn quân xác pháo mà bóng người thương chẳng biết đâu tìm.

Những bữa nhớ anh, em giả đò đi chợ, ghé nhà thăm hai bác cho đỡ buồn. Nghe bác nói: thằng Tâm thư nào cũng hỏi con Hồng nó có chồng ở đâu chưa? Đọc thư anh em mừng muốn khóc và không biết chừng nào mình mới được gần nhau. Bến sông xưa lững lờ con nước lớn, em đợi anh về sẽ giặt áo ở bờ sông.

(Nói lối)

NAM: Anh vẫn nhớ em dù tụi mình chưa hẹn
Anh sửa cái tánh cộc cằn để mẹ quý em yêu.
Đêm qua phà Cần Thơ anh nhìn theo con nước lớn
Có dòng nước nào về chợ Mới để thăm em.

(Lý trăng soi)

NỮ: Ơi! Dòng sông mang nước đi nơi nào
Có về quê em ghé thăm đôi điều
Rằng: Anh nhớ thương em nhiều.
NAM: Trông vời xa
Dường như trông thấy chiếc sáo nàng phơi
Dòng sông chợ Mới người ơi!
Thương nhớ hoài dù chưa hẹn trầu cau.

NỮ: Rồi gặp anh hai, ảnh bảo anh bây giờ làm thượng sĩ, tánh nết hiền lành được đồng đội thương, dân quý. Nghe nói chưa tròn câu, chiếc ngoái trầu trên tay ngừng lại, nhìn vào mắt em mẹ sung sướng vui…

Vọng cổ (câu 5)

… cười. Nhờ đi bộ đội mà thằng Tâm nay đã nên người. Nếu nó chưa có nơi nào gá nghĩa, khi nó về, mẹ đám cưới cho con. Em chạy vội ra sau hai bàn tay ôm mặt, nước mắt thương chờ chảy mãi giữa lòng son. Chợ Mới đón anh đón người rể mới, còn buồn không anh sao chẳng thấy anh về.

Vọng cổ (câu 6)

NAM: Tuy có buồn, nhưng anh không dám giận, bởi cha mẹ nào cũng vì hạnh phúc của con. Lỡ một lần se duyên nếu không phải bến là trọn đời chỉ nuốt khổ mà thôi.

Anh vừa về vì biên cương còn bóng giặc, chớ nhớ em nhiều nhớ chợ Mới thủy chung. Nhớ mẹ hiền lành nhưng lòng khảng khái, nhớ bến sông xưa, em giặt áo buổi trưa hè.

NỮ: Tết nầy em sẽ ra thăm anh ngoài ấy, mẹ đã bằng lòng, em không còn sợ mất anh.

NAM: Hơn năm mươi năm chợ mình vẫn là chợ Mới, chỉ sáu năm chờ có lâu lắm đâu em.


HOA MUA TRẮNG

Nói lối
Tôi đưa đoàn chiến sỹ qua sông
Được chị lái đò kể cho nghe chuyện người con gai…
Tôi hỏi: Người con gái đó tên gì? Chị chỉ vào cây hoa dại!
Tôi hỏi hoa gì? Chị nói : Hoa mua!
Tôi lỡ miệng nói đùa…Bông hoa rừng ai để ý mà mua…?

VỌNG CỔ

Câu 1:
Chị bỗng nhìn tôi với cái nhìn thông cảm…Rồi tay vuốt nhẹ vào vai tôi như nói hãy……yên…lòng…

Chị nói với tôi: Ở đây không có hoa Lan, hoa Huệ, hoa Hồng…
Chỉ có hoa mua dạn dày sương nắng, mà chẳng phai màu đổi sắc trắng trong (+) Hoa mua đón mặt trời lên cho thêm rạng rỡ, hoa mua đón trăng, trăng vẽ nét long lanh. Hoa mua sinh ra từ rừng núi hiền lành, tô điểm cho đời thêm hương sắc…

Câu 2: Rồi giặc đến quê hương ào ào như cơn lốc. Suối reo im, tiếng chim hót bỗng dừng…
Trên bến sông, mẹ tiễn cha đi theo ngọn lửa rừng…
Mẹ chị trở thành người lái đò từ dạo ấy. Còn chị cũng từ ấy lớn lên (+) Phút qua sông khách khen chị dịu hiền, thời gian như tô điểm cho chị ngày thêm lộng lẫy. Bỗng một hôm tên quan Châu nhìn thấy, gọi mẹ đến nhà dùng bạc để đòi mua…

Câu 3: Hoa mua ai bán mà mua? Mẹ không ngã giá cho vừa lòng quan. Rồi một chiều lòng mẹ đau như xé: Giặc tới nhà bắt chị đem đi! Mẹ nhìn con chẳng biết phải làm gì, rồi mẹ ra bờ sông nhìn theo dòng nước chảy. Khi nhớ tới chồng, mẹ lên nương rẫy. Nhớ tới chị mẹ lại ngắm hoa mua (+) Mẹ lắng nghe sâu thẳm tiếng chuông chùa, và những cánh mua rơi đầy trên tóc mẹ. Rồi mẹ nằm mơ thấy con mình chết trẻ, trong bàn tay hung bạo của quân thù.

Nói lối
Cha được tin giặc bắt chị đem đi
Nỗi đớn đau hẹn ngày cha trở lại
Cách Mạng mùa thu xua tan đời khổ ải.
Cha trở về, đứng ngắm mãi hoa mua…

VỌNG CỔ

Câu 5: Hoa mua của mẹ cha càng đậm đà hương sắc…Cách mạng về chị như chim sổ lồng tung cánh bay giữa trời thu đẹp ánh……mai…hồng…

Nhìn thấy chị đi trong đoàn quân cách mạng mà nước mắt tuôn giòng…
Thấy cảnh quê hương phút giây thay đổi, tưởng đó chỉ là một giấc chiêm bao (+) Ôi, hoa mua của mẹ năm nào, tưởng đã rã rời theo giấy màu, bụi cát. Cách mạng đã chắp cho chị từng cánh hoa lưu lạc, để in sâu vào đôi mắt mẹ trong ngần…

Câu 6: LÝ CON SÁO
Trên…bến sông, đứng trông con đò năm xưa.
Chị cầm chèo thay mẹ sớm trưa
Và bao cuộc tiễn đưa
Đoàn trai trẻ lên đường
Ra noi chiến trường.
Giờ tôi mới tường hoa mua ấy
Trên bến sông đang chở tôi đi
Kìa những người mang nhiều mơ ước
Đang ngày đêm theo bước cha ông…(về vọng cổ)
Mẹ với cha là những người đi trước, chị và tôi tiếp bước đã bao ngày

Từ mùa Thu ấy đến nay,
Hoa mua vẫn nở ngát đầy trời Xuân
Trên sông, đò chở đoàn quân
Bóng ai, ai thấy trong ngần hoa mua ./.

CÂY ĐÀN PHONG CẦM CỦA NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH

Sáng tác: Phạm Kiều

Thơ
Có những đêm về dạ nhớ thương
Những ngày gian khổ chốn sa trường
Bấm tay: đã bốn mươi năm chẳn
Mái đầu giờ bạc trắng màu sương

LÝ TRĂNG SOI
Đêm về khuya, trăng sáng bên hè
Chỉ còn mình ta với cây đàn
Đồng đội ơi! Nhớ thương dâng tràn
Ôi đàn ơi! Bàn tay rướm máu bấm phím dìu lời ca.
Ngày xưa ai hát “Ka-chiu-sa”?
Ai nâng phím đàn…cho khoan nhặt lời…ca…

VỌNG CỔ

Câu 1:
Mới đó mà thấm thoát đã bốn mươi năm ngày rời xa quân ngũ. Đồng đội ngày xưa biết ai còn lưu giữ những kỷ niệm thân thương của một thuở…tung…hoành…

Gối đất nằm sương, chung câu hát quân hành…
Quên làm sao được những đêm trăng sáng, cả đại đội mình cùng đốt lửa múa ca (+) Có người hát nhạc Nga “Tình khúc Ka-chiu-sa”, có đứa hát bài “Bình Trị Thiên khói lửa”. Riêng ta ôm đàn nâng bổng những lời ca, cây đàn với ta đã trở thành tri kỷ…

(Nhạc) “Mùa Thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến.
Rền khắp trời, lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến ra (về vọng cổ câu 2)…sa trường…
Dẫu tử sinh, gian khổ vẫn xem thường…
Cây đàn “gió” là tiếng lòng của đời lính, thêm yêu bạn, yêu đời trong những bước hành quân (+) Ta cùng hát “lăm tơi” trên đất nước “Triệu voi”, “Xiêng khoảng”, “Cánh đồng chum” ngập trời máu lửa. Cây đàn “gió” vẫn bập bùng bên ánh lửa, cho tình bạn Việt – Lào mãi mãi “Xa-ma-khi”…

LÝ BA TRI

Thương nhớ biết mấy ai ơi!
Bao tháng năm rồi, ngày rời xa quân ngũ
Chiều nghiêng ánh nắng rơi rơi
Ta nâng phím ngà, dạo bản nhạc xưa
Thêm nhớ thương những người lính một thời gian lao.
Ai hát “Ka-chiu-sa” cho lệ trào vì…nhớ…nhau?

VỌNG CỔ

Câu 5:
Năm tháng dần trôi, rồi đời người cũng về bên kia phương trời miên viễn…Có còn chăng là chút tình lưu luyến của những người lính năm xưa đã cùng chung trận tuyến…anh…hùng…

Đã cùng nhau chiến đấu chống quân thù…
Có nhớ những vùng quê ngày lửa khói: Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Tức Dụp, Lộc Ninh (+) Ai ngày nay là “cựu chiến binh”? Ai đã ngã xuống khi tiến về Sài Gòn, giải phóng? Dù ở nơi đâu trên khắp miền đất nước cũng đừng quên đại đội ta từng có một cây đàn.

Câu 6: Đồng đội ngày xưa của tôi ơi! Có còn ai nhớ đến tôi? Người lính kéo phong cầm nâng từng lời ca bất tử! Cây đàn năm xưa tôi vẫn còn lưu giữ dù hàng phím ngà đã long theo năm tháng dần trôi. Nhưng khi ôm đàn là lệ già bổng tuôn rơi khi nhớ những đồng đội của một thời máu lửa! Trên vai bạn ngày xưa có cây súng trận, còn trên vai tôi thì đeo một cây đàn.

Tiếng phong cầm chiều nay sao nghe lạc lỏng, chơi vơi vì thiếu vắng những người đồng đội cũ. Tôi nhớ mãi những đêm dài không ngủ, tay bấm phím ngà khi đồng đội hát “Ka-chiu-sa” ./.